Sỏi túi mật là bệnh thường gặp. Những phụ nữ tuổi trung niên, thừa cân hoặc có nồng độ cholesterol trong máu cao là những đối tượng dễ bị sỏi túi mật. Hiện nay, ngày càng nhiều bệnh nhân phát hiện ra sỏi túi mật không có triệu chứng khi được siêu âm bụng kiểm tra tổng quát. Thông thường, nếu như sỏi túi mật nhỏ và không gây ra triệu chứng đau thì không cần phẫu thuật lấy sỏi. Ngược lại, một khi sỏi túi mật gây đau, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cấp cứu hoặc chương trình cắt túi mật lấy sỏi.
>> xem thêm: Sỏi mật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa sỏi túi mật
Tìm hiểu chung
Sỏi túi mật là bệnh gì?
Sỏi túi mật là những viên rắn chứa cholesterol và các chất khác hình thành trong túi mật. Sỏi túi mật có thể chỉ nhỏ bằng hạt cát (sỏi bùn) hoặc lớn như một quả bóng golf và chúng có thể mềm hoặc rắn. Bạn có thể có một hoặc rất nhiều sỏi mật trong túi mật. Bệnh sỏi túi mật cũng có thể mang tính di truyền.
Những ai thường mắc phải bệnh sỏi túi mật?
Sỏi túi mật rất phổ biến: có đến 20% nam giới và 40% nữ giới bị sỏi túi mật. Phụ nữ dễ mắc sỏi túi mật hơn vì sự ảnh hưởng của estrogen (hormone nữ) lên quá trình tạo mật. Những người thừa cân hoặc đang cố gắng giảm cân nhanh chóng cũng có khả năng bị sỏi túi mật. Ngoài ra, bạn cũng có khả năng mắc bệnh nếu trong gia đình có người đã từng bị sỏi túi mật.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sỏi túi mật là gì?
Hầu hết sỏi túi mật không có triệu chứng. Tuy nhiên, những sỏi túi mật có kích thước lớn sẽ bị kẹt trong trong ống dẫn mật đến ruột, túi mật lúc này sẽ co bóp khó hơn và người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng bụng trên bên phải. Bạn cần chú ý đến khả năng mắc bệnh nếu có những dấu hiệu sau:
Đau ở phần bụng trên hoặc phần giữa bên phải trong ít nhất 30 phút. Triệu chứng này có thể kéo dài hoặc thậm chí gây ra co thắt.
- Đau lưng hoặc đau giữa hai xương bả vai, đặc biệt là đau vai phải
- Vàng da hoặc vàng mắt
- Sốt
- Phân màu đất sét trắng
- Buồn nôn và ói mửa
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng kể trên, hoặc có một trong các dấu hiệu sau:
- Đau bụng dữ dội
- Vàng da hoặc vàng mắt
- Sốt cao và cảm thấy ớn lạnh
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bệnh sỏi túi mật là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sỏi túi mật, trong đó có 2 nguyên nhân chính sau:
- Mật của bạn chứa quá nhiều cholesterol. Thông thường, mật của bạn có đủ chất để hòa tan cholesterol do gan bài tiết. Nhưng nếu gan đào thải cholesterol nhiều hơn khả năng hòa tan của mật, phần cholesterol dư thừa có thể hình thành nên các tinh thể và cuối cùng thành sỏi túi mật.
- Mật của bạn chứa quá nhiều bilirubin. Bilirubin là một chất được tạo ra khi cơ thể của bạn phá vỡ các hồng cầu. Một số bệnh lý làm cho gan sản xuất quá nhiều bilirubin như xơ gan, nhiễm trùng đường mật… Phần bilirubin dư thừa góp phần hình thành nên sỏi túi mật.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật, bao gồm:
- 60 tuổi trở lên
- Thừa cân hoặc béo phì
- Mang thai
- Chế độ ăn giàu chất béo, giàu cholesterol nhưng lại ít chất xơ
- Có tiền sử gia đình bị sỏi túi mật
- Mắc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng gan, xơ gan
- Dùng một số thuốc hạ cholesterol, thuốc tránh thai, thuốc có chứa estrogen (các loại thuốc điều trị nội tiết)
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh sỏi túi mật?
Sỏi túi mật có thể chữa khỏi được bằng cách phẫu thuật cắt bỏ túi mật và lấy sỏi mật. Phương Việc này thường được thực hiện với phương pháp phẫu thuật nội soi (tạo vài đường mổ nhỏ để bác sĩ có thể đưa dụng cụ vào trong ổ bụng nhằm cắt bỏ túi mật). Với phương pháp này, việc hồi phục sức khỏe khá nhanh và bệnh nhân có thể về nhà sau phẫu thuật một ngày. Phẫu thuật nội soi được Phillipe Mouret thực hiện lần đầu tiên vào năm 1987 tại Lyon – Pháp và ở Việt Nam vào năm 1992.
Trong một số trường hợp bác sĩ cho dùng thuốc làm tan sỏi túi mật nếu việc phẫu thuật quá nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần sử dụng thuốc trong thời gian dài và đôi khi bệnh có thể tái phát khi ngưng sử dụng thuốc.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh sỏi túi mật?
Siêu âm là phương pháp đầu tiên để tìm ra sỏi túi mật. Khi siêu âm cho thấy kết quả không rõ ràng, bác sĩ có thể sử dụng một phương đặc biệt khác là HIDA, ERCP hoặc MRI. Đặc biệt trong phương pháp ERCP, các sỏi túi mật sẽ được loại bỏ trong quá trình chẩn đoán.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sỏi túi mật?
Sỏi túi mật có thể được hạn chế nếu bạn duy trì cân nặng bình thường. Bạn cũng nên giảm ăn chất béo, đạm và bổ sung nhiều chất xơ để giảm cholesterol. Vận động nhiều và tập thể dục thường xuyên cũng giúp bạn không chỉ kiểm soát bệnh sỏi túi mật của mình mà còn giảm nguy cơ bị các bệnh về tim mạch và tiêu hóa khác.
Sỏi túi mật là một bệnh đường tiêu hóa thường gặp. Bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc sỏi túi mật bằng cách giảm cân, ăn ít chất béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây để giảm nồng độ cholesterol trong máu. Nếu như sỏi túi mật gây đau và có chỉ định phẫu thuật, bạn cũng đừng quá lo lắng vì hiện nay đa số trường hợp có thể tiến hành phẫu thuật nội soi. Đây là một phương pháp điều trị ngoại khoa an toàn và ít đau đớn. Người bệnh sau khi được phẫu thuật có thể xuất viện ngày hôm sau. Nếu bạn có thắc mắc thêm về bệnh của mình, hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để biết thêm thông tin về bệnh.